Học Quản Trị Kinh Doanh Xong Thì Làm Gì? – Làm Ở Mọi Phòng Ban! (Phần 2)

Như đã hứa ở bài trước, trong số lần này, VSNE sẽ đem đến cho các bạn chia sẻ của khách mời về hai nhóm ngành Controlling và Human Resources cũng như ứng dụng của kiến thức BWL trong hai ngành này. 

3. Tài chính, Kế toán, Controlling

Đây là các bộ phận chịu trách nhiệm quản lý số liệu và sổ sách để báo cáo với stakeholders bên trong và ngoài công ty. Công việc của ba phòng này không giống nhau, nhưng lại  phụ thuộc rất nhiều vào nhau. VSNE đã trò chuyện với bạn Chi để tìm hiểu thêm về công việc của một Controller:

VSNE: Chi ơi, làm Controlling là làm cái gì?

C.: Bộ phận Controlling của một công ty, tuỳ độ lớn, có thể được chia thành nhiều mảng chuyên sâu khác nhau như financial, IT, logistics, produktions controlling, v.v. Công việc vì thế cũng khá đa dạng nhưng có thể tóm gọn lại là nắm bắt, kiểm soát và phân tích dữ liệu nhằm đưa công ty hoạt động hiệu quả, đúng như ý nghĩa của từ “control”.

Từng làm việc trong mảng financial controlling và reporting, công việc của mình chủ yếu là làm báo cáo (doanh thu, chi phí, lợi nhuận, nhân sự…) hàng tháng, dự đoán tài chính cho 3 tháng kế, làm business plan (kế hoạch kinh doanh) cho năm sau. Ngoài ra, việc phân tích số liệu, so sánh Soll – Ist và tìm ra nguyên nhân chênh lệch và trao đổi cùng các bộ phận khác như sales, engineering, logistics cũng là một phần công việc hàng ngày của chúng mình. Việc hiểu được các con số rất quan trọng vì chúng mình sẽ là người định hướng và hỗ trợ cấp trên đưa ra những quyết định đúng đắn kịp thời cho công ty

VSNE: Thế học BWL ra, Chi có áp dụng được nhiều kiến thức vào thực tiễn không?

C.:Những kiến thức học được từ BWL cung cấp cho mình một nền móng cơ bản để hiểu được yêu cầu công việc. Để thực hành được công việc mình cần tự học thêm rất nhiều kĩ năng của ngành liên quan đến xử lý số liệu cũng như rèn luyện tư duy nhạy bén với các con số, mà trường không dạy. 

4. Các vị trí quản lý, tổ chức, nhân sự

Đây là những vị trí làm việc với con người, một trong những tài nguyên quan trọng nhất đối với mọi tổ chức. Công việc cụ thể của một người làm nhân sự là gì? Chị Linh sẽ chia sẻ với chúng mình trong phỏng vấn dưới đây: 

VSNE: Chị có thể giới thiệu về công việc cụ thể mà chị đang làm được không?

L.: Mình làm về quản lý sự đa dạng và hoà nhập của tổ chức (tiếng Anh là Diversity & Inclusion Management). Đây là một mảng rất quan trọng của nhân sự trong việc phát triển văn hoá tổ chức bền vững, tăng sự gắn kết và độ nhiệt tình của nhân viên trong công ty. Công việc cụ thể của mình là làm việc sát cánh với team Talents Acquisition để đảm bảo việc chiêu mộ và chọn lựa nhân viên mới một cách công bằng cho mọi ứng cử viên, tăng sự đa dạng về nguồn nhân lực trong tổ chức. Bên cạnh đó mình cũng lên kế hoạch và triển khai các chương trình đào tạo, kết nối để nâng cao nhận thức của các nhân viên và lãnh đạo về tầm quan trọng của đa dạng hoá tổ chức và duy trì văn hoá hoà nhập trong công ty. Ví dụ như: kết nối các mạng lưới nhân viên nữ trong và ngoài công ty, tổ chức các sự kiện về LGBT+, tuyên truyền chống phân biệt với các nhân viên nhiễm HIV trong công việc, xây dựng bộ cẩm nang cách phân biệt giới trong tiếng Đức…

VSNE: Chị có áp dụng nhiều kiến thức học được từ BWL vào công việc không?

BWL thực sự là rất rộng, đến lúc làm thì cũng chỉ hạn chế ở một bộ phận mình làm thôi. Mình học chuyên sâu về quản trị nhân sự (Human Resource Management) và phát triển tổ chức (Organizational Development). Khi vào làm nhân sự thì thực sự rất vui vì đây là cơ hội mình được áp dụng lý thuyết vào thực tế. Mặc dù, cũng khá thất vọng khi có những kiến thức mình được học nó đã khá lạc hậu so với ứng dụng thực tế rồi. Cơ mà không chỉ riêng kiến thức về nhân sự đã hỗ trợ mình mà cả kiến thức về marketing hay kiểm toán cũng đã giúp mình không ít trong các phi vụ phải quảng bá các sự kiện hay phân chia tài chính cho các hoạt động của phòng. Thậm chí, việc mình học luật ngày xưa cũng giúp mình có thêm kiên trì và cách phân tích khi đọc về các luật lao động có liên quan đến người khuyết tật hay chính sách nghỉ đẻ và chăm con 🙂 Điều quan trọng là mình nhận thấy học BWL giúp cho mình có tư duy tốt về các hoạt động kinh doanh nên khi đi làm cũng dễ dàng nắm được sự kết nối giữa các phòng ban trong công ty và tìm được cơ hội làm cùng với họ.  

Tổng kết lại bài một, chúng mình hi vọng các bạn đã hiểu thêm phần nào về công việc cụ thể ở mỗi bộ phận. Xuyên suốt các bài phỏng vấn, chúng mình có thể kết luận là kiến thức BWL đặt một nền tảng quan trọng cho mọi công việc. Tuy vậy, tùy vào từng trường và chương trình học khác nhau, kiến thức được cung cấp có thể bị lỗi thời, không đủ cập nhật. Như vậy, đối với các bạn đang ở trên ghế nhà trường, chúng mình khuyến khích việc tìm hiểu về ứng dụng thực tiễn cho các kiến thức mà bạn học được. Giống như đã đề cập ở loạt bài trước, công việc working student và thực tập là hai cách rất tốt để đạt được điều này. 

Vì thời lượng có hạn, chúng mình chỉ có thể phỏng vấn đại diện một số vị trí tiêu biểu. Nếu công việc mà các bạn quan tâm chưa được đề cập đến trong bài này, hãy cho chúng mình biết ở mục comment nhé!

Ngoài ra, chúng mình cũng đang mở một khảo sát nhỏ về nhu cầu hướng nghiệp của cộng đồng VSNE, gồm 4 câu hỏi, để hiểu hơn những tâm tư trăn trở của các bạn trong học tập và lập nghiệp, qua đó có thể hỗ trợ các bạn một cách tốt nhất. Chỉ cần 3 phút, tham gia ngay khảo sát của VSNE nhé!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *