Học Quản Trị Kinh Doanh xong thì làm gì? – Làm ở mọi phòng ban! (Phần 1)

Betriebwirtschaftslehre (BWL) hay Quản trị kinh doanh là một trong những ngành học phổ biến nhất ở Đức. Trong cộng đồng sinh viên Việt, cũng không ít bạn lựa chọn theo đuổi ngành này.

Về cơ bản, chương trình BWL cung cấp cho các bạn sinh viên một lượng kiến thức đa dạng, phù hợp cho nhiều vị trí, công việc khác nhau. Tuy vậy, chính sự đa dạng này đôi khi lại biến thành thách thức  trong việc lựa chọn một con đường sự nghiệp để gắn bó lâu dài. 

Từng ở trong hoàn cảnh như vậy, chúng mình nhận ra rằng việc đưa ra quyết định sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chúng mình hiểu được cặn kẽ những lựa chọn được đưa ra trước mắt. Và tada, loạt bài “Học Quản trị kinh doanh xong thì làm gì” đã ra đời!

Để tăng tính thực tiễn của bài viết, chúng mình đã thực hiện một loạt phỏng vấn với khách mời là các bạn, anh chị đang công tác trong các lĩnh vực được đề cập. Hầu hết khách mời của chúng mình làm việc cho các công ty ở Đức và từng học BWL hoặc các ngành kinh tế tương tự. 

Dân BWL có thể làm việc trong hầu hết mọi phòng ban!

Chuỗi giá trị theo Porter. Kiến thức BWL đều cần thiết trong mọi vị trí trên biểu đồ.

Trên thị trường có rất nhiều loại công ty, từ công ty sản xuất đến công ty dịch vụ, từ công ty to đến công ty nhỏ, từ công ty cổ điển đến công ty hiện đại, nhưng công ty nào cũng có ít nhất các phòng như Nhân sự, Kế toán, Tài chính, Kinh doanh, v.v. Nghiệp vụ trong các phòng này thường đòi hỏi chính xác những kiến thức mà các bạn sinh viên BWL được cung cấp trên giảng đường. Lý thuyết thì chúng ta đã được học, nhưng thực tế các công việc này làm những gì? Hãy cùng với các khách mời của chúng mình tìm hiểu nhé!

1. Purchasing and procurement (mua hàng), Logistics (dịch vụ hậu cần) và Supply Chain Management (quản trị chuỗi cung ứng)

Đây là các bộ phận chịu trách nhiệm cho việc nguyên vật liệu (đầu vào) và sản phẩm (đầu ra) được lưu hành trơn tru. Các bạn làm việc trong bộ phận này phải đảm bảo số lượng, chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng như các vấn đề về kho bãi, vận chuyển, vân vân. Đây là những bộ phận đặc biệt quan trọng trong một công ty sản xuất truyền thống, với các công ty dịch vụ thì bộ phận này có thể nhỏ hơn hoặc được xác nhập vào các phòng ban khác.

Chúng mình sẽ tìm hiểu cụ thể về mảng Quản trị chuỗi cung ứng trong phỏng vấn với chị T., nhân viên phòng xuất nhập khẩu của công ty Hapag Lloyd dưới đây nhé:

VSNE: Công việc cụ thể của chị là gì?

T.: Công việc của chị là điều phối container, bao gồm xuất container ra khỏi cảng và trả container rỗng về kho. Ngoài ra chị còn làm transport organisation (điều phối vận chuyển), custom clearance (thông quan), làm việc với hải quan, làm hóa đơn, vân vân.

VSNE: Chị có cảm thấy kiến thức học được ở BWL đã giúp chị chuẩn bị tốt cho công việc hay không?

T.: Theo chị thì Supply Chain Management nhiều mảng, đối với công việc này thì kiến thức ở trường áp dụng được nhiều. Nhưng ở công việc trước của chị là trong mảng quản lý kho bãi thì kiến thức ở trường không sát với thực tế lắm.

2. Marketing

Marketing là một ngành quen thuộc và rất được yêu thích bởi các bạn trẻ cả Đức lẫn Việt. Ngành này chịu trách nhiệm đảm bảo sản phẩm đầu ra của công ty được thị trường tiếp nhận một cách tích cực nhất. Sau đây là chia sẻ của chị Giang về công việc Marketing trong một agency.

VSNE: Chị làm Marketing cụ thể là làm những công việc gì?

G.: Vị trí hiện tại của chị là programmatic specialist tại agency quảng cáo là GroupM. Chị phụ trách các chiến dịch quảng cáo online cho các khách hàng của công ty như các hãng ô tô (Volvo, Mazda), các nhãn hàng tiêu dùng (Nestlé, Haagen Dazs…) hoặc các công ty bán lẻ như Kaufland, Rewe… công việc cụ thể là lên kế hoạch, setup, optimize các chiến dịch quảng cáo online của khách hàng.

VSNE: Chị có cảm thấy kiến thức học được ở BWL đã chuẩn bị tốt cho công việc hiện tại hay không?

G.: Chị thấy là nếu làm ngành Digital Marketing thì kiến thức được học không hỗ trợ gì mấy. Việc học BWL và có cơ hội học tất cả các môn (luật, kế toán, Operative Management, Marketing) khiến mình biết mình thích cái gì và giỏi cái gì trong mấy môn đó. Sau đó thì mình lựa chọn một hướng đi phù hợp mà mình thấy khơi gợi hứng thú cho mình và thử theo con đường đó. 

Chị chọn Marketing và sau đó là tự mua rất nhiều khoá học online để tự bồi dưỡng vì kiến thức Marketing trong trường đại học lúc đó rất cũ và phù hợp cho các bạn muốn theo kiểu Marketing chiến lược truyền thống. Đối với việc người tiêu dùng đã thay đổi tư duy và thói quen đó có sự ảnh hưởng của mạng xã hội và công nghệ quảng cáo dựa trên dữ liệu người dùng thì những kiến thức trong trường dường như khó có thể áp dụng trong công việc hằng ngày.

Như vậy, nếu các bạn muốn theo đuổi Digital Marketing thì cần xem kỹ chương trình học của trường xem có đề cập đến mảng này hay không. Ngoài ra, các bạn có thể xem xét đi làm thực tập để bổ sung cho kiến thức ở trường và nâng cao cơ hội tìm được việc sau khi ra trường.

Ở bài này, chúng mình đã đề cập đến hai lĩnh vực đầu tiên mà các bạn BWL-er có thể “đầu quân”, đó là SCM và Marketing. Trong bài tiếp theo, chúng mình sẽ nhắc đến hai bộ phận được yêu thích khác, đó là các vị trí làm việc đến số liệu – tài chính, kế toán, controlling – và con người – nhân sự. Các bạn nhớ đón đọc nhé!

Ngoài ra, chúng mình cũng đang mở một khảo sát nhỏ về nhu cầu hướng nghiệp của cộng đồng VSNE, gồm 4 câu hỏi, để hiểu hơn những tâm tư trăn trở của các bạn trong học tập và lập nghiệp, qua đó có thể hỗ trợ các bạn một cách tốt nhất. Chỉ cần 3 phút, tham gia ngay khảo sát của VSNE nhé!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *