Vì sao ta nên dùng Business Model Canvas?

Business Model Canvas (BMC, tạm dịch: Bảng mô hình kinh doanh) là một công cụ phát triển chiến lược kinh doanh được Alexander Osterwalder giới thiệu vào khoảng năm 2005. Nó là một biểu mẫu với 9 ô trống để điền các thông tin thiết yếu đối với mọi doanh nghiệp, bao gồm: hoạt động kinh doanh chính, các đối tác chiến lược, tài nguyên chủ chốt, nguồn tài chính và doanh thu. BMC đặc biệt hiệu quả trong các cuộc họp động não sáng tạo, bởi vì chúng ta có thể viết ý tưởng lên giấy nhớ và dán lên các ô tương ứng.

Từ lúc ra đời đến nay, BMC đã trở nên phổ biến đến mức hầu hết các khóa học quản trị kinh doanh đều đề cập đến nó trong chương trình học. Vì sao công cụ này lại được yêu thích đến vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới nhé!

1. Tập trung vào nền tảng giá trị

Doanh nghiệp chỉ nên tồn tại khi có một nền tảng giá trị rõ ràng và mạnh mẽ. Vì lẽ đó nên ô Nền tảng giá trị (Value Proposition) mới nằm ở ngay giữa mô hình. Viet StartUp cũng khuyến khích bắt đầu xây dựng bảng mô hình kinh doanh từ đây. Để xác định được nền tảng giá trị của doanh nghiệp, chúng ta cần trả lời các câu hỏi sau: Sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty là gì? Nhu cầu nào của khách hàng hoặc xã hội đang được thỏa mãn? Giá trị tồn tại của công ty nằm ở đâu? Nếu không tìm được câu trả lời thích đáng cho những vấn đề này thì doanh nghiệp rất khó có thể sống sót được lâu dài.

2. Làm rõ mọi chi tiết cơ bản của doanh nghiệp

Sau khi xác định lý do mà doanh nghiệp nên tồn tại, ta cần phải tìm hiểu những yếu tố cần thiết để duy trì nó. Cho dù bạn đưa ra sản phẩm hay dịch vụ nào thì cũng luôn có ba lĩnh vực chính cần được quan tâm: đầu vào, đầu ra và nguồn tiền. Ba ô bên trái tập trung vào đầu vào: Đối tác chiến lược, Hoạt động chủ chốt và Tài nguyên chính. Thu hút được đúng người, kiến thức và tài nguyên là bước đầu tiên để đưa công ty vào hoạt động. Đầu ra được thảo luận ở ba ô bên phải: Quan hệ khách hàng, Kênh giao tiếp và Phân khúc khách hàng. Những ô này yêu cầu phải tìm ra những đối tượng phục vụ của doanh nghiệp, cách tiếp cận và xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ. Hai ô dưới cùng đại diện cho dòng tiền: các khoản đi vào doanh nghiệp được liệt kê trong ô Chi phí, còn tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh nằm ở ô Doanh thu. Nếu bạn điền được tất cả 9 ô một cách hợp lý thì khả năng doanh nghiệp của bạn sẽ thành công là rất cao.

3. Hỗ trợ business pitch

Giải thích một mô hình phức tạp như doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian - thứ mà nhà đầu tư thường không có. Vì thế nên những buổi pitch với thời gian có hạn mới trở nên phổ biến. Bài pitch có thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, một trong số đó là một BMC rõ ràng hợp lý. Nó giúp minh họa ý tưởng tốt hơn là kế hoạch kinh doanh (tuy cái này thì đằng nào cũng phải có). Với BMC, ta còn có thể đánh dấu bằng màu, dùng thêm mũi tên và di chuyển các yếu tố để tăng độ tương tác.

4. Tính linh hoạt cao

Khi doanh nghiệp của bạn phát triển thì BMC cũng cần phát triển theo. Thế nên ta cần xem xét lại mô hình này sau một thời gian nhất định. Chúng mình khuyến khích nên lặp lại thứ tự khi điền bảng, bắt đầu ở ô Nền tảng giá trị, tiếp đấy là ba ô đầu ra hoặc đầu vào và kết thúc bằng số liệu tài chính. Những thông tin nào cũ thì cần bỏ ra, còn cái mới phải được thêm vào.

Bên cạnh đó, BMC còn là nền tảng của một loạt các công cụ quản trị chiến lực. Ví dụ như Value Proposition Canvas cho phép nghiên cứu sâu hơn về nhu cầu của khách hàng và lợi ích họ sẽ có được từ doanh nghiệp của bạn. Công ty phát triển bền vững có thể sử dụng BMC ba lớp, với ứng dụng kết hợp với triple bottom line trong quá trình lên kế hoạch.

5. Miễn phí!

Khác với các công cụ kinh doanh khác, BMC của Osterwalder được xuất bản dưới giấy phép mở (Creative Common license), có nghĩa là tất cả mọi người đều có quyền sử dụng miễn phí! Các tác giả thậm chí còn cung cấm một bản download cỡ lớn để in và sử dụng, kèm theo toàn bộ hướng dẫn và gợi ý điền bảng ở trang này. Việc hoàn thành BMC chỉ mất tối đa là một ngày, công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng với lợi ích mà nó mang lại!