Tiền tươi thóc thật - Kinh doanh bền vững đem lại lợi ích gì?

Tiền tươi thóc thật - Kinh doanh bền vững đem lại lợi ích gì?

Chau Nguyen
Chau Nguyen
Kinh doanh bền vững là hình thức kinh doanh kết hợp yếu tố cốt lõi của sự bền vững - lợi nhuận kinh tế, môi trường và xã hội - vào khung giá trị cơ bản. Trong những năm gần đây, hình thức kinh doanh này đã trở nên khá phổ biến ở nhiều nước phương Tây.

Sự gia tăng của áp lực xã hội kèm theo thay đổi về luật pháp càng khiến giá trị của mô hình kinh doanh bền vững ngày càng được coi trọng. Bên cạnh những giá trị đạo đức, kinh doanh bền vững còn đem lại rất nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích ba lợi thế đáng kể nhất.

  1.       Kêu gọi vốn

Để trở nên carbon trung tính (carbon neutral) cho tới năm 2050, Liên minh Châu âu cùng với các nước thành viên đã phát động nhiều dự án hỗ trợ các giải pháp xanh. Trong khuôn khổ European Green Deal, ít nhất €100 tỷ sẽ được dành cho các hạng mục đầu tư bền vững trong vòng vài thập kỷ tới. Công ty khởi nghiệp xanh và các doanh nghiệp xã hội nên liên hệ với cơ quan chính quyền sở tạiđể nhận thêm thông tin về các quỹ này.

Để tìm vốn chủ sở hữu (equity),doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu bỏ qua các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và cấu trúc quản lý (ESG). Nhiều nhà đầu tư đã áp dụng ESG vào mô hình đánh giá doanh nghiệp.Theo mô hình này, những doanh nghiệp kém bền vững sẽ bị tăng phần bù rủi ro (risk premium) và giảm giá trị đầu cuối (terminal value). Trên thực tế, điều này có nghĩa là doanh nghiệp bền vữngsẽ có cơ hội tìm được nhà đầu tư lớn hơn

Tương tự vậy, nhiều ngân hàng bây giờ cũng áp dụng phân tích ESG trong mô hình tính toán rủi ro khi cho vay. (risk level of a credit).Thế nên những công ty có xếp hạng ESG cao cũng sẽ dễ vay được vốn với điều kiện thuận lợi hơn.

  1.       Quản trị rủi ro

Các công ty tài chính ưu tiên doanh nghiệp bền vững không chỉ vì vấn đề danh tiếng, mà còn từ khía cạnh rủi ro. Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF liên tục xác định thất bại trong chính sách môi trường, hiện tượng thời tiết cực đoan và mất đa dạng sinh thái là ba rủi ro đáng lo ngại nhất trong thập kỷ này. Vì thế, doanh nghiệp nào có hệ thống đánh giá, thích nghi và giải quyết những vấn đề trên một cách hiệu quả sẽ được coi trọng bởi tính linh hoạt và tiềm năng trong tương lai.

Doanh nghiệp hiện đại còn thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ làm mất hình ảnh thương hiệu. Trong thời đại toàn cầu hóa, công ty càng ngày càng khó có thể che giấu scandal.Tai tiếng không chỉ làm giảm doanh số và lợi tức, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực lên dòng tiền. Tính thanh khoản của doanh nghiệp cũng sẽ bị đe dọa nếu vốn hoặc các khoản vay bị từ chối.

Một nguy cơ đáng kể khác đến từ thay đổi về luật pháp và kiện tụng. Như đã đề cập ở mục trước, nhiều quốc gia châu âu đã thắt chặt yêu cầu đối với doanh nghiệp, ví dụ như:thuế carbon của EU, Luật kiểm soát chuỗi cung ứng của Đức hay Luật chống lãng phí của Pháp. Xu hướng tương tự cũng có thể nhận thấy ở nhiều nước khác.Áp lực từ các nhóm phi chính phủ cũng đang tăng mạnh với nhiều vụ kiện cáo chống lại các tập đoàn hủy hoại môi trường.Một số trường hợp nổi tiếng bao gồm Greenpeace vs. Shell, nhóm nhiều nguyên cáo vs. Uniqlo, Inditex, Skechers, v.v ... ở Pháp.

  1.       Chiêu mộ nhân tài và năng suất lao động

Việc giá trị cá nhân của nhân viên có ảnh hưởng lên năng suất lao động là một hiện tượng đã được theo dõi từ nhiều năm.. Hiệu quả làm việc sẽ tăng nếu người lao động có cảm giác công việc đang làm phù hợp với các giá trị cá nhân mà họ theo đuổi. Trong hoàn cảnh đóng góp đối với xã hội ngày càng được coi trọng, hiện tượng này càng trở nên rõ ràng. Nghiên cứu cho thấy một bộ phận lớn thế hệ Z tỏ ra muốn làm việc cho những công ty có ảnh hưởng tích cực tới xã hội.Một báo cáo của McKinsey cũng chỉ ra rằng năng suất lao động giảm ở các doanh nghiệp có trình độ áp dụng ESG thấp, nguyên nhân chủ yếu vì nhân viên đình công, nghỉ ốm và chuyển công việc nhiều. Tỷ lệ nghỉ việc cao là một yếu tố bất lợi, vì thông qua đó công ty cũng mất đi một nguồn chất xám và kinh nghiệm đáng kể,đồng thời làm giảm danh tiếng cũng như tăng chi phí tuyển dụng.

Kinh doanh bền vững đem lại kết quả tích cực về tài chính, điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau.Tuy vậy, nhiều người vẫn lầm tưởng điều ngược lại. Nhận thức sai lầm này là rào cản lớn nhất đối với việc áp dụng rộng rãi ESG trong doanh nghiệp. Trong bài này, chúng tôi chỉ mới đề cập đến một vài ảnh hưởng tích cực của kinh doanh bền vững. Bạn có thể bổ sung các yếu tố khác trong phần comment bên dưới!